Mường La điểm đến hấp dẫn

Những ngày thu tháng 9, có dịp theo đoàn Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Sơn La tổ chức khảo sát đánh giá, giới thiệu dịch vụ trên tuyến du lịch Mường La, chuyến hành trình đã mang lại cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.

Điểm dừng chân đầu tiên là Khu trưng bày “Di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”, với các hiện vật gốc thuộc thời đại đá cũ, đá mới, kim khí cùng 80 hình ảnh và hàng chục tài liệu phụ trợ từ đồ dùng sinh hoạt, góc bếp, trang phục, trang sức đến đạo cụ âm nhạc của các tộc người Thái, La Ha, Kháng, Khơ Mú... đoàn đã thực sự bị cuốn hút, bức tranh toàn cảnh lịch sử thời tiền - sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thông qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh. Tiếp đó, đoàn vào tham quan nhà máy thủy điện Sơn La, công trình kỳ vĩ lớn nhất Việt Nam, với vùng lòng hồ rộng lớn, là điều kiện thuận lợi cho người dân vùng hồ phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát huy lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.



Bản làng xã Ngọc chiến (Mường La) nhìn từ trên đỉnh đồn Mường Chiến.

Tại trung tâm thị trấn Ít Ong, đoàn được trải nghiệm tắm suối nước nóng bản Hua Ít, thưởng thức ẩm thực dân tộc. Hành trình tới xã Ngọc Chiến, được chiêm ngưỡng cây samu nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu, to đến cả chục người ôm, được gắn với bao câu chuyện huyền bí, linh thiêng; đến thăm di tích lịch sử đồn Mường Chiến với độ cao gần 70 mét so với cánh đồng Mường Chiến, gọi là “Pom đồn”, được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử năm 2006. Từ trên đỉnh đồn nhìn xuống phía dưới, bản làng ở Ngọc Chiến tuyệt đẹp với những nếp nhà sàn lợp bằng gỗ pơmu, hệ thống ruộng bậc thang, cánh đồng lúa đang độ chín vàng mênh mông trải dài, như bức tranh thủy mặc hài hòa bên dãy Hoàng Liên hùng vĩ. Anh Vũ Văn Thuấn, Công ty Du lịch Bầu trời xanh xuýt xoa: Mường La, Ngọc Chiến thực sự có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, sở hữu suối khoáng nóng hoang sơ, người dân thân thiện, mến khách... Những cung đường đèo quanh co uốn lượn, những khu rừng già nguyên sinh, các hồ thủy điện trên núi tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng mà ít nơi nào trên dọc tuyến Tây Bắc có được.


Đoàn về bản Lướt, trải nghiệm tắm suối khoáng với những phòng tắm xinh xắn làm bằng gỗ pơmu và nghỉ đêm tại bản du lịch cộng đồng. Đêm về, được quây quần bên mâm cỗ thưởng thức chén rượu thơm nồng, những món ăn độc đáo như các loại rau củ quả sạch, lợn bản, gà thả vườn, cá nướng, nếp tan dẻo thơm... và hòa mình vào đêm giao lưu văn nghệ.


Ngày thứ 2 của chương trình, đoàn tham gia trải nghiệm Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Thái (ngành Thái trắng) xã Ngọc Chiến, lễ hội thường được tổ chức giữa tháng 9 hằng năm tại các gia đình. Năm nay, UBND huyện Mường La đã đưa lễ hội lên quy mô cấp huyện nhằm bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời quảng bá, thu hút du lịch tới xã Ngọc Chiến. Vì vậy, dịp này khá đông du khách trong và ngoài tỉnh đến với lễ hội, được thưởng thức điệu hát then, đàn tính, nghi lễ cúng cơm mới đặc sắc của đồng bào Thái trắng và tham gia các trò chơi dân gian như: thi bắt cá, thi làm cốm, thi giã bánh dày, ném còn; được thỏa sức mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống làm quà kỷ niệm.


  Sau khi khảo sát các điểm du lịch, đoàn đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nhận xét đánh giá về tiềm năng, chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn. Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL đánh giá cao tiềm năng du lịch của huyện Mường La nói chung và xã Ngọc Chiến nói riêng, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại của địa phương trong phát triển du lịch và đề nghị các lãnh đạo huyện, xã cần quan tâm, xây dựng giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bà Vũ Giang Biên, Công ty cổ phần Thương mại du lịch thiên đường Á Châu nhận xét: Mường La có lợi thế lớn, là nơi có công trình thủy điện Sơn La tầm cỡ Đông Nam Á; có khu trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Bản làng xã Ngọc Chiến rất đẹp với truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, Mông lưu giữ lâu đời, ít có sự pha tạp so với các địa phương khác. Đây còn là điểm đến khá thuận lợi vì nằm trên cung đường du lịch nối liền từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến Sơn La, Điện Biên, Lào Cai... Qua chuyến khảo sát này, tới đây công ty chúng tôi sẽ xây dựng các tour để giới thiệu và đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Sơn La nói chung và xã Ngọc Chiến (Mường La) nói riêng. Tuy nhiên, tỉnh, huyện cần tập trung hoàn thiện đầu tư hạ tầng giao thông, có các chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng du lịch, một số sản phẩm đặc thù, chú trọng quảng bá hình ảnh...


Về hướng quảng bá, xây dựng tour du lịch thời gian tới, bà Phạm Thị Tân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch trao đổi: Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tuyến du lịch Mường La trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của đơn vị; liên kết, kết nối một số công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách; mở rộng kết nối tua tuyến du lịch từ các tỉnh đến với Mường La; tổ chức trưng bày, phát tặng ấn phẩm du lịch cho du khách. Mặt khác, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch... để Mường La thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách.


Gửi bình luận

Họ và tên* Email*
Nội dung*